Rụng tóc là một phản ứng bình thường của cơ thể trước những tác động từ môi trường, ví dụ như phẫu thuật, bị sốt hoặc mang thai... cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu các chất hay mất cân bằng hoá học trong cơ thể.
1. Dấu hiệu rụng tóc
Để xác định xem bản thân có mắc bệnh rụng tóc hay không thường phải dựa vào các dấu hiệu sau:
- Rụng với số lượng mỗi ngày vượt quá 100 sợi.
- Thời gian rụng kéo dài trên một năm.
- Rụng nhiều cả khi ướt và khô.
- Với những người tóc thưa có thể thấy rõ da đầu.
- Ở nam giới có biểu hiện hói đầu nhẹ.
- Tóc con mọc lên yếu, mềm, nhuyễn, xoăn.
2. Rụng tóc là thiếu chất gì
Nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc ở phụ nữ là thiếu các chất khoáng trong cơ thể gây rối loạn quá trình chuyển hóa, do chế độ ăn kiêng như: thiếu chất sắt do kinh nguyệt nhiều hoặc kéo dài, do ăn ít thịt bò, thịt nạc, ăn ít rau xanh, rau tươi; thiếu chất kẽm.
3. Nguyên nhân gây rụng tóc
Rụng tóc do rất nhiều nguyên nhân gây ra như: di truyền, chăm sóc tóc không đúng, trong thời gian mang thai, chế độ dinh dưỡng, ốm đau bệnh tật và do thuốc điều trị bệnh ung thư.
3.1. Do nội tiết
Gần như tất cả đàn ông đều có dạng chân tóc chữ M và tóc thưa hơn ở phần đỉnh đầu. Hiện tượng tóc rụng được gây nên từ một sự chuyển hoá nội tiết tố nam testosterone thành một chất có tên DHT. Các nang tóc dần trở nên nhỏ hơn, giai đoạn mọc tóc ngắn đi, giai đoạn thoái hoá của tóc dài ra. Kiểu rụng này chỉ xảy ra ở phần trước và trên của tóc vì đây là khu vực nhạy cảm với hooc- môn. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh cũng thường bị rụng tóc.
3.2. Do hoá trị liệu
Đó là khi cơ thể có những phản ứng với những chất hoá học được truyền vào cơ thể. Hoá trị liệu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nang tóc ở giai đoạn thoái hoá. Các chân tóc không phát triển bình thường, dễ bị gãy rụng trên toàn bộ da đầu. Khi đã hết quá trình điều trị hoá chất thì nang tóc lại được tái sinh.
3.3. Rụng tóc từng mảng
Đôi khi hệ miễn dịch của cơ thể lại tấn công những chồi tóc đang phát triển, hiện tượng này dẫn đến rụng tóc từng mảng. Khi hiện tượng tự miễn này chỉ diễn ra ở phần củ tóc, các nang tóc sẽ lại được tái sinh khi hệ thống miễn dịch được kiểm soát. Trường hợp rụng tóc thành sẹo là do các tế bào cọng tóc ở chỗ phình của nang tóc bị tấn công, gây hậu quả mất tóc vĩnh viễn.
3.4. Do các bệnh lý
Bệnh Alopecia, bệnh lý gây ra rụng tóc với một trong các loại: rụng một chỏm tóc; rụng toàn bộ tóc; và rụng toàn bộ tóc trên đầu kèm rụng ở các vùng khác. Rụng tóc sau phẫu thuật tuyến giáp hay suy chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên những bệnh lý này thường xảy ra ở nam giới. Rụng tóc sau phẫu thuật, trong một số trường hợp người bệnh sau khi trải qua phẫu thuật tóc sẽ rụng nhiều.
3.5. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, một số tác động cơ học thông thường búi quá chặt làm căng chân tóc khiến tóc dễ bị rụng, do dùng lược quá cứng, gội đầu nhiều lần trong ngày, sấy tóc, để tóc ướt đi ngủ hoặc phơi nắng quá lâu sẽ làm tổn thương tóc bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.Trong quá trình chăm sóc tóc không đúng cách: chải quá nhiều hoặc lạm dụng các chất hóa học (thuốc nhuộm, thuốc tẩy) sẽ làm cho tóc rụng nhiều hơn.
Trong các bữa ăn hàng ngày thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho tóc như: sắt, protein thì nguy cơ bị rụng tóc là rất khó tránh khỏi.